Có một thực tế là nhiều học sinh thành phố, đô thị hiện nay được bố mẹ chăm ăn, chăm mặc kỹ quá, chẳng thiếu thứ gì và được bao cấp đến “tận răng”.
Có những em đã học lớp 11, lớp 12, mà bố mẹ vẫn đưa đón hàng ngày, không dám cho tự đi học. Ở nhà, nhiều trẻ được miễn việc giúp đỡ bố mẹ làm công việc nhà, dù là nhỏ nhất với lý do là để dành thêm thời gian cho con học, hoặc đã có “bác giúp việc”. Có rất nhiều lời giải thích, biện minh cho việc chăm sóc, nuông chiều con cái quá mức ở các bố mẹ. Hệ lụy của việc nuông chiều ấy là sẽ làm mất đi tính tự lập của trẻ, làm cho trẻ trở nên lười nhác, ỷ lại cho người khác những việc có thể thực hiện trong tầm tay.
Bên cạnh đó, mặc dù điều kiện sống của lớp trẻ ngày càng tốt hơn, nhưng việc giao lưu, chia sẻ, kết bạn…của trẻ dường như lại thu hẹp lại. Đầu tiên là việc tạo ra các kết nối trong gia đình, giữa bố mẹ và con cái. Thời gian bố mẹ dành cho con trẻ ngày càng eo hẹp. Do mải làm kinh tế, nên hầu hết các bố mẹ không có nhiều thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình. Những chuyến đi công tác dài ngày, việc đi làm về muộn là chuyện bình thường trong xã hội hiện đại ngày nay. Ngay cả khi có mặt ở nhà, nhiều cha mẹ cũng không thể sắp xếp thời gian, để có thể tâm sự, trò chuyện cùng con trẻ. Hình ảnh một gia đình với bố mẹ ôm máy tính, nghe điện thoại, con cái chúi đầu chơi game trên ipad không còn hiếm thấy và ngày càng phổ biến. Có một nghịch lý là: công nghệ ngày càng phát triển, mạng xã hội ngày càng phổ biến để giúp con người có thể trao đổi với nhau thuận lợi nhất, thì ngược lại việc trao đổi thông tin bằng ngôn ngữ giữa người với người, sự quan tâm tới nhau trong các gia đình sử dụng công nghệ ngày càng kém đi. Cuối cùng những đứa trẻ cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Trẻ em không chỉ cần người lớn cho ăn ngon, mặc đẹp. Trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ, việc được quan tâm, bồi dưỡng về mặt tinh thần đôi khi quan trọng hơn nhiều so với vật chất. Ngay cả khi bạn có thể thuê cho con mình những gia sư, giáo viên tốt nhất, thì việc có bố mẹ quan tâm, chia sẻ, định hướng là không thể thiếu đối với sự trưởng thành của trẻ. Việc định hướng này sẽ quyết định 60-70% sự thành công và tính cách của trẻ sau này.
Ngoài ra một nguyên nhân nữa dẫn đến việc trẻ em thành phố rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết, đó là việc trẻ thực sự thiếu một môi trường để có thể học hỏi, giao lưu, tương tác và trải nghiệm. các trường học và chương trình giáo dục của nước ta dù đã có nhiều cố gắng cải cách, nhưng thực tế cho thấy phương pháp giảng dạy vẫn còn theo lối mòn cũ, lý thuyết vẫn được coi trọng hơn thực hành. Là một quốc gia thường có các học sinh đoạt nhiều giải thưởng toán, lý, hóa quốc tế, nhưng nước ta lại là một nước công nghệ “đi mua”, các sáng chế hầu như chỉ là các công trình trên giấy. Các sinh viên ra trường hàng năm rất khó tìm kiếm được việc làm và có khi tốt nghiệp loại giỏi càng dễ thất nghiệp. Thật tiếc khi nhà trường chỉ chú trọng dạy văn hoá mà không quan tâm nhiều đến việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Trẻ dù học giỏi nhưng thụ động, không dám giao tiếp trước đám đông còn nguy hiểm hơn cả việc học dốt.
Đến giờ nhiều gia đình và phụ huynh mới giật mình khi phát hiện ra một lỗ hổng trong việc giáo dục trẻ. Chúng ta đã quá nặng việc quan tâm cho trẻ được sung sướng, ăn ngon, mặc đẹp, mà quên đi mất việc giáo dục cho trẻ một cách nghiêm túc các kỹ năng để giúp trẻ có nền tảng cơ sở để tự lập sau này. Việc thiếu được trang bị các kỹ năng sống cần thiết để giúp cho trẻ từ nhỏ đã hình thành các thói quen tốt, các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này khi tham gia vào xã hội như: sự tự tin, tư duy sáng tạo, khả năng tập trung, niềm đam mê học tập suốt đời…
Lựa chọn của bố mẹ khi cho con tham gia các lớp học KNS
Hiện nay, có nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng sống tại Hà Nội, nhưng chất lượng rất khó kiểm nghiệm. Cách dạy kỹ năng sống chủ yếu là cho trẻ xem videos các tình huống và hướng dẫn làm theo hay tổ chức một số hoạt động thực hành, vui chơi. Phương pháp tổ chức lớp học vẫn theo mô hình truyền thống, trong đó giáo viên đóng vai trò trung tâm, trẻ tiếp thu kiến một cách thụ động. Đặc biệt, do thiếu giáo viên, nhiều trung tâm nhận thầy cô giáo “tay ngang” nên không đủ chuyên môn dạy kỹ năng sống cho trẻ.
Việc phụ huynh đổ xô đi tìm lớp kỹ năng sống cho con là điều dễ hiểu. Ngày trước, trẻ chủ yếu được chăm sóc, vui chơi trong môi trường tự nhiên, nên dần hình thành những kỹ năng sống cần thiết. Ngày nay, trẻ đi học bán trú ở trường, rồi đi học thêm, thời gian rảnh rỗi thì ngồi chơi game, xem tivi…, nên trẻ em ít có cơ hội trải nghiệm từ cuộc sống xung quanh. Thời gian bố mẹ tiếp xúc với con cái cũng rất hạn chế, nên việc chia sẻ và dạy dỗ, định hướng của bố mẹ cũng giảm xuống. Thực tế cho thấy, nhiều em học ở trường có thể rất giỏi nhưng ra ngoài lại thành “gà công nghiệp”.
Tuy nhiên, thật không dễ dàng để phụ huynh tìm được một khóa học kỹ năng sống chất lượng và phù hợp về thời gian, học phí cho trẻ. Rất nhiều các trung tâm đào tạo kỹ năng sống đưa ra những lời quảng cáo như: “Ngay lập tức giúp con bạn trở nên tự tin”; “Giúp trẻ khai phá tài năng” … Để thu hút học sinh, nhiều trung tâm chia nhỏ khoá học thành 1 tuần đến 1 tháng, kinh phí từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng. Với thời lượng như vậy, có thể khẳng định chất lượng cũng như hiệu quả mang lại không thể làm thay đổi được trẻ. Việc rèn luyện để hình thành các kỹ năng cần một quá trình lặp đi lặp lại và lâu dài, không thể có lớp học vài buổi mà có được kỹ năng sống. Phụ huynh không nên chạy theo phong trào và cũng đừng quá kỳ vọng vào sự thần kỳ của các khóa học kỹ năng sống “siêu tốc”.
Việc lựa chọn cho trẻ tham gia khóa học Kỹ năng sống đôi khi còn gặp trở ngại đến từ chính các thành viên trong gia đình. Rất nhiều bố mẹ hiện đại nhưng tư duy và tầm nhìn lại tương đối lạc hậu theo kiểu “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, các bố mẹ này tự an ủi rằng con trẻ sẽ tự học khôn, lớn rồi sẽ biết. Nhóm bố mẹ mang tư duy này sẽ tự tay đánh mất đi cơ hội quý giá của con trẻ được học hỏi, tiếp thu, rèn luyện những kiến thức sống quý báu cho việc trưởng thành.
Nhiều bố mẹ khác lại lựa chọn khóa học cho con theo hướng phong trào, thấy bạn bè cho con đi học thì cũng đăng ký cho con đi học cùng, mà không có sự suy xét, lựa chọn cẩn thận. Việc học cho vui, đi cho biết theo hướng phong trào sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí sẽ làm phí đi thời gian, tiền bạc của gia đình.
Việc chọn lựa ngôi trường hay một trung tâm chuyên nghiệp về đào tạo kỹ năng sống là rất quan trọng cho trẻ. Nên nhớ thời gian trẻ được tham gia, tương tác, rèn luyện tại trường không nhiều. Các buổi học về kỹ năng sống thường chỉ kéo dài từ 1-2 tiếng. Các lớp học tiêu chuẩn chỉ nên có tối đa 15 trẻ. Các phụ huynh cũng nên tham khảo, trao đổi, nghe tư vấn cụ thể trước khi đăng ký học cho con. Đặc biệt phụ huynh nên quan tâm đến các vấn đề như nội dung học có phù hợp với con trẻ, chất lượng giáo viên, thời gian học. Một chương trình học đạt chuẩn phải có sự giao lưu giữa giáo viên và phụ huynh chặt chẽ. Cụ thể sau các buổi học, phụ huynh nên dành thời gian trao đổi với giáo viên để biết về nội dung bài học, biểu hiện của trẻ và trao đổi với giáo viên về cách tương tác với trẻ tại nhà.
Cho trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa cũng là dạy kỹ năng sống cho trẻ
Cho con học Kỹ năng sống, khi nào là tốt nhất?
Học tập không bao giờ là muộn, tuy nhiên việc cho trẻ học Kỹ năng sống thì không nên chờ hay trì hoãn. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng từ 3-6 tuổi là giai đoạn “cửa sổ vàng” cho trẻ học tập. Giai đoạn này não bộ của trẻ phát triển rất mạnh, khả năng ngôn ngữ, sáng tạo, ghi nhớ của trẻ rất cao. Tại thời điểm trẻ đang tò mò, khao khát tìm hiểu thế giới xung quanh là thời điểm tốt nhất để dạy trẻ biết cách cư xử đúng mực, tự tin giao tiếp, tư duy sáng tạo, … và hình thành các kỹ năng sống cơ bản. Các nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ trong giai đoạn này, nếu được quan tâm nghiêm dạy dỗ nghiêm túc, sẽ hình thành những thói quen tốt giúp ích rất nhiều cho trẻ khi bước vào giai đoạn tiểu học.
Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với trẻ và qua tham khảo ý kiến của nhiều đồng nghiệp trong ngành, chúng tôi thấy có một thực trạng đáng lo ngại hiện nay, đó là việc các em học sinh đại đa số mệt mỏi, căng thẳng với việc học tập. Rất đông các em phát triển không đều, nhút nhát, hạn chế về giao tiếp, kém sáng tạo, thông minh nhưng làm việc máy móc, không biết làm việc nhóm, …
Đầu tư cho con trẻ, đặc biệt là đầu tư giáo dục luôn là cách đầu tư khôn ngoan nhất. Kiến thức và kỹ năng là hàng hóa đặc biệt, không nên định giá giống những hàng hóa khác. Giá trị khóa học kỹ năng sống mang lại không thể đánh giá qua số tiền đắt hay rẻ. Những giá trị thực nhận được từ khoản đầu tư ấy sẽ xứng đáng với công sức chúng ta bỏ ra vì đã góp phần trang bị cho con trẻ hành trang để bước vào cuộc sống tương lai.