Kỳ nghỉ hẻ là khoảng thời gian quý giá cho các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi của tất cả các em học sinh, sau một năm miệt mài với đèn sách và thi cử. Vì lẽ đó mà các bậc phụ huynh đều muốn tạo cho con em mình có không gian và môi trường thuận lợi nhất, an toàn nhất. Vấn đề đặt ra là không thể để các bạn nhỏ chỉ mải miết với những trò tiêu khiển trên máy tính. Đây không phải là giải pháp hợp lý, các con cũng cần có điều kiện để rèn luyện, thử thách bản thân. Vậy, cha mẹ cần làm gì để con cái luôn được phát triển toàn diện nhất?
Một thực tế đã diễn ra khá phổ biến ở nhiều gia đình, không ít cha mẹ vì quá “yêu” công việc mà quên đi bổn phận với con cái. Các em không có điều kiện chia sẻ những suy nghĩ của mình với người thân. Thậm chí có nhiều ông bố, bà mẹ còn phó mặc việc chăm sóc các con cho người giúp việc. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều em học sinh chán nản, kết quả học tập đi xuống, nặng hơn là mắc chứng trầm cảm.
Điều này rất nguy hiểm, nó có thể hủy hoại tương lai của con trẻ. Chính sự thiếu thốn tình cảm gia đình sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách, lối sống sau này của các em.
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, trò chơi dân gian để con được sống hòa vào thiên nhiên
Việc giáo dục con cái luôn phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình, mọi lúc, mọi nơi. Không nên buông lỏng hay nuông chiều các con trong các hoạt động. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian lắng nghe xem con mình nghĩ gì, cần gì để hiểu con, dạy con phù hợp với nếp sống và truyền thống của gia đình, nhà trường và xã hội.
Xin dẫn ra đây một ví dụ khá điển hình về cách giáo dục quản lý con trong dịp hè của một gia đình cán bộ công chức để mọi người có thể tham khảo và học tập:
Năm nay gần 40 tuổi, cả hai vợ chồng anh Kiên và chị Hằng đều là cán bộ công chức nhà nước và có 2 con, một trai 17 tuổi và một gái 13 tuổi. Mặc dù phải lo toan công việc ở cơ quan khá bận rộn nhưng anh chị vẫn không hề sao nhãng trong việc quản lý giáo dục các con mình. Nếu như những ngày chưa nghỉ hè, các con anh chị phải sống, học tập và sinh hoạt theo một thời gian biểu nghiêm ngặt thì những dịp hè, họ càng bắt các con phải “vào khuôn khổ” mặc dù chúng không phải tới trường. Sáng hai anh em dậy tập thể dục, sau đó ăn sáng và xem tivi, đọc sách báo… sau đó có thể ôn luyện các bài tập. Buổi trưa sau khi tự túc nấu nướng ăn uống xong hai anh em bắt buộc phải đi ngủ trưa 2 tiếng, sau đó trở dậy. Khoảng thời gian từ chiều tới tối hai anh em có thể đi ra công viên gần nhà giải trí đánh cầu lông, đá cầu, tập thể dục… cho thoải mái. Một tuần các con anh chị được đi bơi 3 buổi vào thứ 2-4-6. Những ngày cuối tuần là khoảng thời gian cả gia đình đi du ngoạn, mua sắm, đi ăn hoặc về quê nội, ngoại ở ngoại thành để các con được dã ngoại, thăm ông bà, họ hàng…
Chuyện để các con có thời gian giao lưu bạn bè hay chơi game, lướt web đọc báo, nghe ca nhạc, xem phim ảnh… anh chị cũng không cấm nhưng luôn chỉ cho phép ở mức độ vừa phải, có điểm dừng. Sự nghiêm khắc trong cách quản lý, giáo dục của anh chị từ khi các con còn nhỏ đã hướng chúng sống, học tập, sinh hoạt, vui chơi luôn có nền nếp, biết tự chủ bản thân và đặc biệt là tự giác, biết nghe lời. Chẳng vậy mà đâu có cần anh chị mất thời gian theo dõi, giám sát kè kè mà các con vẫn luôn học giỏi, ngoan hiền… Từ cách quản lý giáo dục của vợ chồng anh Kiên, chị Hằng, hàng xóm nhà tôi như vậy, nên có khá nhiều gia đình khác trong khu đã học theo.
3 tháng hè là lúc để các con có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và nạp năng lượng cho một năm học mới. Nhưng không vì thế mà các bậc phụ huynh buông lỏng nếp sống của con mình. Cần tạo ý thức tự giác, sống có trách nhiệm ngay từ khi con còn nhỏ. Bạn cũng nên khuyến khích con dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội, vì cộng đồng. Điều này giúp đời sống của các con phong phú hơn, con biết yêu thương, biết chia sẻ nhiều hơn và phát triển các kỹ năng mềm tốt nhất.